Tham gia BHYT, trách nhiệm của gia đình, sinh viên, nhà trường và xã hội -
Tham gia BHYT, trách nhiệm của gia đình, sinh viên, nhà trường và xã hội
Theo Luật BHYT, học sinh, sinh viên có quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT bởi đây là một biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em, chính là đảm bảo tương lai của đất nước.
Theo Luật BHYT, học sinh, sinh viên có quyền lợi và trách nhiệm tham gia BHYT bởi đây là một biện pháp hữu hiệu để đảm bảo an toàn sức khỏe cho các em, chính là đảm bảo tương lai của đất nước. Phụ huynh, nhà trường, cơ sở giáo dục, cơ sở y tế và cả cơ quan bảo hiểm xã hội – đơn vị thực hiện chính sách cũng phải quan tâm, có trách nhiệm phối kết hợp trong thực hiện nhằm giúp các em có thể phát triển toàn diện về trí lực, thể chất và nhân cách sống.
Luật BHYT quy định, học sinh, sinh viên là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT có mức đóng hàng tháng bằng 4,5% mức lương cơ sở, được ngân sách nhà nước hỗ trợ mức đóng. Cụ thể, hỗ trợ 100% mức đóng cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn hoặc đang sinh sống tại các huyện đảo, xã đảo. Hộ cận nghèo mới thoát nghèo, hộ cận nghèo sống tại các huyện nghèo, học sinh mầm non, học sinh sinh viên là thân nhân người có công, người thuộc diện hưởng trợ cấp bảo trợ xã hội hàng tháng theo quy định. Hỗ trợ tối thiểu 70% mức đóng đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo còn lại; các đối tượng học sinh, sinh viên còn lại được hỗ trợ 30% mức đóng.
Về quyền lợi, khi tham gia BHYT, học sinh, sinh viên được cấp thẻ BHYT; được đổi nơi khám chữa bệnh ban đầu vào đầu mỗi quý, được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại trường học và được quỹ BHYT chi trả chi phí khám chữa bệnh. Mức hưởng 100% chi phí khám chữa bệnh tại tuyến xã hoặc tổng chi phí của một lần khám chữa bệnh thấp hơn 15% mức lương cơ sở ở mọi tuyến điều trị; hưởng 100% chi phí nếu học sinh, sinh viên là con của liệt sĩ, người thuộc hộ nghèo, người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Hưởng 100% chi phí nếu học sinh, sinh viên đang sống tại vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn hoặc sống tại xã đảo, huyện đảo. Hưởng 100% chi phí nếu tham gia BHYT 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn hơn 6 tháng lương cơ sở (trừ trường hợp khám chữa bệnh trái tuyến). Người bệnh lưu giữ chứng từ thu phần chi phí cùng chi trả làm căn cứ để cơ quan bảo hiểm xã hội cấp giấy chứng nhận không cùng chi trả trong năm. Hưởng 95% chi phí khám chữa bệnh đối với học sinh, sinh viên thuộc hộ cận nghèo; các đối tượng học sinh, sinh viên còn lại hưởng 80% chi phí khám chữa bệnh.
Nhiều dịch vụ kỹ thuật cao, kỹ thuật chuyên sâu đã được BHYT thanh toán cho các bệnh nhân tham gia BHYT.
Trong trường hợp khám chữa bệnh vượt tuyến, trái tuyến, nếu điều trị nội trú tại tuyến tỉnh được hưởng 60% chi phí, tuyến trung ương được hưởng 40%. Khi học sinh, sinh viên khám chữa bệnh tại cơ sở có ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT nhưng không đủ thủ tục khám chữa bệnh BHYT theo quy định được quỹ BHYT thanh toán trực tiếp trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT theo quy định.
Khi học sinh, sinh viên có thẻ BHYT khám chữa bệnh tại cơ sở không ký hợp đồng khám chữa bệnh BHYT được quỹ BHYT thanh toán theo chi phí thực tế trong phạm vi quyền lợi và mức hưởng BHYT, tối đa cho một đợt điều trị không vượt quá mức 60.000 đồng điều trị ngoại trú tại tuyến huyện và tương đương; nếu điều trị nội trú, mức thanh toán là 500.000 đồng đối với tuyến huyện và tương đương; 1.200.000 đồng đối với tuyến tỉnh và tương đương; 3.600.000 đồng đối với điều trị tại tuyến trung ương.
Trong trường hợp cấp cứu, học sinh, sinh viên tham gia BHYT được khám chữa bệnh tại bất kỳ cơ sở y tế nào và xuất trình thẻ BHYT và giấy tờ tùy thân có ảnh trước khi ra viện để được hưởng quyền lợi BHYT.
Trong năm học 2016-2017, toàn thành phố Hà Nội mới chỉ có 90,8% số học sinh, sinh viên tham gia BHYT, còn 9,2% số học sinh, sinh viên chưa tham gia, tương ứng với gần 159 nghìn học sinh, sinh viên chưa có BHYT. Để đảm bảo 100% học sinh, sinh viên tham gia BHYT trong năm học 2017-2018 theo chỉ đạo của Chính phủ, nhà trường, cơ sở giáo dục phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trong công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật về BHYT, làm chuyển biến và nâng cao nhận thức của học sinh, sinh viên về tính ưu việt của chính sách BHYT đối với việc chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho các em ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Tham gia BHYT vừa là quyền lợi, vừa là trách nhiệm công dân của mỗi học sinh, sinh viên mà còn thể hiện ý thức chấp hành, tuân thủ luật pháp của những chủ nhân tương lai của đất nước…
Thực tế đã cho thấy, không ít trường hợp học sinh, sinh viên bị tai nạn, ốm đau bất ngờ, bị mắc bệnh hiểm nghèo đến khám và điều trị tại các bệnh viện, cơ sở y tế đã được BHYT chi trả lên đến hàng trăm triệu đồng, giúp giảm đáng kể gánh nặng chi phí điều trị. Với những gia đình nghèo, những gia đình có mức sống trung bình, khi con em không may bị ốm đau, tai nạn, nếu không có BHYT thì không có đủ tiền chi trả chi phí khám chữa bệnh và điều trị, và có thể trở thành hộ nghèo sau khi nằm viện. Chính vì vậy, để các em được tham gia BHYT không chỉ là trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ, của nhà trường mà còn là quyền lợi được hưởng từ chính sách của BHYT đối với các em.
Hương Giang
  Theo dòng sự kiện
   Văn bản số 4101/UBND-KGVX   - 25/04/2017
LIÊN KẾT WEBSITE